Kiểm tra công tác Bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Kiểm tra công tác Bảo vệ rừng và PCCCR  trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

          Thực hiện Công điện số 43/CĐ-TTg ngày 01/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước. Ngày 07 tháng 5 năm 2024, Đoàn công tác của Cục Kiểm lâm do đồng chí Nguyễn Hữu Thiện làm Trưởng đoàn đi kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại tỉnh Đắk Nông.

           Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Lê Công Trường - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan.
           Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã báo cáo tình hình triển khai, kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Thời gian qua, chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực triển khai các biện pháp bảo vệ rừng qua đó công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Đắk Nông trong những năm gần đây chuyển biến tích cực; tình trạng vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp cơ bản được kiểm soát, kiềm chế; phần lớn các vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; số vụ phá rừng và diện tích rừng thiệt hại giảm qua từng năm. Năm 2023, tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giảm 39,9%, riêng về số vụ phá rừng giảm 55,9%, diện tích rừng bị phá giảm 58,1% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.
           Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, như: Trong cao điểm mùa khô 2023-2024, thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến tình trạng cháy rừng, cháy cây trồng chưa thành rừng xảy ra tại một số địa phương; thời gian gần đây giá trị các mặt hàng nông sản (như Cà phê, Tiêu,…) tăng cao, trong khi đời sống của người dân địa phương, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số (di cư tư do từ các tỉnh khác đến) sống trong và gần rừng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng người dân phá rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu gia tăng; diện tích rừng quản lý lớn, manh mún, xen kẽ, liền kề với nương rẫy của người dân; trong khi lực lượng Kiểm lâm còn thiếu, một số công chức Kiểm lâm phải bố trí kiêm nhiệm phụ trách địa bàn nhiều xã do đó gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham mưu, triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, tinh vi, sẵn sàng chống đối, tấn công lực lượng đang thi hành nhiệm vụ,...; diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao các chủ rừng quản lý lớn, trong khi lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại các đơn vị còn mỏng, áp lực công việc ngày càng lớn, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị phục vụ công tác còn hạn chế, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, thời gian làm việc đặc thù (24/24 giờ bám rừng) trong khi thu nhập của lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng còn thấp chưa đảm bảo được đời sống và chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao dẫn đến tình trạng lực lượng quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc, chuyển công tác trong những năm gần đây xảy ra nhiều gây khó khăn cho các chủ rừng trong việc bố trí lực lượng bảo vệ rừng;...
           Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã kiến nghị Cục Kiểm lâm báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ địa phương trong triển khai công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, như: Bố trí kịp thời kinh phí cho địa phương để triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án,…liên quan lĩnh vực lâm nghiệp; đặc biệt là Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022; ban hành chính sách ưu đãi, đặc thù đối với lực  lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng để đảm bảo đời sống, yên tâm công tác; sớm hoàn thiện, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;...
           Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Thiện đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực cũng như chia sẻ sự khó khăn của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; sẽ chuyển các kiến nghị của địa phương đến cấp thẩm quyền để đưa ra những giải pháp giúp Đắk Nông tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong thời gian tới./.
           
Một số hình ảnh tại buổi làm việc



Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Yến - Kiểm lâm viên phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên