Rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của Việt Nam

Rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của Việt Nam
           Ngày 30 tháng 7 năm 2024, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp tổ chức hội thảo rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (gọi tắt là EUDR) cho ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam.

          Hội thảo này nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về EUDR và ​​ thảo luận về kết quả rà soát, đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR được tiến hành ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Cục trưởng Trần Quang Bảo và Phó trưởng đại diện UNDP Việt Nam chủ trì hội thảo

           Theo quy định của EUDR, có hiệu lực vào ngày 29 tháng 6 năm 2023 thì các sản phẩm được đưa vào hoặc xuất khẩu từ thị trường Châu Âu phải có thể truy xuất được nguồn gốc, không phá rừng và được sản xuất hợp pháp. Các công ty lớn hơn nhập khẩu các mặt hàng này vào Châu Âu phải tuân thủ EUDR từ ngày 30 tháng 12 năm 2024, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải tuân thủ từ ngày ngày 30 tháng 6 năm 2025.

           Ngay sau khi EU ban hành quy định này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 88/NĐ-CP ngày 8/6/2023, trong đó giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Bộ NN-PTNT cũng đã cùng các bên liên quan tại Việt Nam chủ động xây dựng và ban hành Khung Kế hoạch hành động nhằm tuân thủ quy định này.

           Khung hành động này cung cấp hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức cấp quốc gia và cấp tỉnh, đảm bảo các hành động thiết thực được thực hiện để hỗ trợ các quy trình thẩm định.

           Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho rằng, để bảo đảm Việt Nam vẫn là quốc gia đi đầu trong sản xuất bền vững và không gây mất rừng, thì cần xem xét, thúc đẩy thực hiện 4 nhóm vấn đề.

           Thứ nhất, là việc chia sẻ dữ liệu và bản đồ, bao gồm các nền tảng sẽ được sử dụng và các loại dữ liệu có thể được chia sẻ. Thứ hai, cần phát triển các phương pháp phân tích định nghĩa rừng, không mất rừng và phân tích rủi ro. Thứ ba, phân tích tính hợp pháp, và cuối cùng là tập trung vào việc hỗ trợ các hộ nhỏ đang đối mặt với nhiều thách thức. Điều quan trọng là phải cung cấp cho các hộ nhỏ các nguồn lực và kiến thức cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn EUDR mà không ảnh hưởng quá mức đến sinh kế của họ.

           “Những cam kết của khu vực tư nhân hết sức quan trọng trong quá trình này, bởi hành động của họ sẽ góp phần định hình sự phát triển bền vững cho các chuỗi ngành hàng”, ông Patrick Haverman chia sẻ.

           Tổng hợp các ý kiến, Cục trưởng Trần Quang Bảo cam kết sẽ phản hồi những khó khăn trong việc thực thi EUDR với phía EU, đồng thời chia sẻ các kế hoạch mà Việt Nam đã triển khai thực hiện.

          Trong thời gian chờ EU ban hành những hướng dẫn chi tiết về EUDR, Cục Lâm nghiệp sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để chứng minh việc tuân thủ các quy định không gây mất rừng, cũng như phân loại, xác định từng khu vực rủi ro trên cả nước.

           “EUDR quy định sản phẩm xuất khẩu phải có tọa độ địa lý nhưng Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật nào về vấn đề này. Đây chỉ là một trong những vấn đề mà Cục Lâm nghiệp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về lâm nghiệp, cũng như tổ chức những buổi tập huấn, nâng cao năng lực thực thi cho doanh nghiệp và chuỗi cung”, ông Bảo khẳng định.

             Hội thảo là một trong những hoạt động của Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Việt Nam” do EU tài trợ.

https://cuclamnghiep.gov.vn/2024/07/31/ra-soat-muc-do-san-sang-thuc-hien-eudr-cua-viet-nam/

 
 

Nguồn tin: Cục Lâm nghiệp: https://cuclamnghiep.gov.vn/