Ghi nhận 02 loài mới ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng nằm ở phía Đông của cao nguyên Đăk Nông, phía Tây của cao nguyên Di Linh và phía Tây Nam của vùng núi cao Chư Yang Sin, nơi giao thoa về địa lý - sinh học của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Miền Đông Nam Bộ. Khu BTTN Tà Đùng là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm có của vùng Cao nguyên, bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, cần được bảo tồn.
Qua các kết quả điều tra cho thấy Khu BTTN Tà Đùng có tính đa dạng sinh học rất cao. Kết quả năm 2013 của Trường Đại học Lâm nghiệp cho thấy: Hệ thực vật ghi nhận được 1.406 loài thuộc 760 chi, 192 họ, 6 ngành trong đó có 89 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và trong Danh lục đỏ IUCN; Hệ động vật ghi nhận được 574 loài thuộc 38 bộ, 124 họ trong đó có 70 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục đỏ IUCN. Như vậy, số lượng các loài động, thực vật được ghi nhận ở Tà Đùng thì tỉ lệ các loài quý hiếm có nguy cơ bị diệt vong trong nước và thế giới khá cao (Đặng Huy Huỳnh và cs, 2000).
Trong năm 2015, các nhà thực vật học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái học miền Nam trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Thực vật, ĐH Tổng hợp Dresden, CHLB Đức đã phát hiện và mô tả hai loài thực vật mới thuộc họ Mộc Hương (Aristolochiaceae) được tìm thấy ở Khu BTTN Tà Đùng: Mộc hương Tà Đùng (Aristolochia tadungensis T. V. Do & T. H. Luu) và Phòng Kỷ Nam Bộ (Aristolochia cochinchinenis Do). Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Systematic Botany, 40(3): 671-691, 2015 và tạp chí chuyên ngành Annales Botanici Fennici số 52, năm 2015.
Mộc Hương Tà Đùng Aristolochia tadungensis T. V. Do & T. H. Luu, có đặc điểm hình thái tương tự với loài Aristolochia hainanensis Merr. và Aristolochia xuanlienensis N.T.T Huong, B. H. Quang & J. S Ma, nhưng có thể phân biệt bởi ống phía trên hình phễu, thuôn dài, họng màu vàng được khảm nhiều chấm màu cam.
Quần thể .được ghi nhận với số lượng cá thể ít, chủ yếu nằm trong khu vực vùng đệm hoặc những khu vực không được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, trong tương lai gần loài này sẽ có thể ở mức độ nguy cấp (VU) (Theo Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam).
Loài mới Phòng Kỷ Nam Bộ (Aristolochia cochinchinensis) Do có đặc điểm hình thái tương tự với các loài Aristolochia longeracemosa, Aristolochia poomae, Aristolochia pothieri và Aristolochia yalaensis. Tuy nhiên, loài Phòng Kỷ Nam Bộ Aristolochia cochinchinensis Do được phân biệt với các loài trên bởi những đặc trưng hình thái như: cuống lá dài 6 - 8 cm, với vết sẹo lớn hình trụ ở gốc cuống, cụm hoa dạng xim, 2 - 4 xim ở mỗi đốt, mỗi cụm hoa gồm 5 - 9 hoa; bao hoa với môi hình thuôn hẹp, dài 1.2 - 1.5 cm, rộng 0.2 cm, phần đầu vặn xoắn; hoa không có cán giữa bầu và bao hoa (Theo Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam).
Từ kết quả công bố trên đã bổ sung vào danh lục thực vật 02 loài mới cho khoa học và đưa tổng số loài thực vật được ghi nhận ở Tà Đùng lên 1.408 loài.
Sự ghi nhận mới này cho thấy tài nguyên đa dạng sinh học của Khu BTTN Tà Đùng còn rất nhiều điều bí ẩn cần được tiếp tục điều tra, nghiên cứu để phục vụ cho công tác bảo tồn.

 

Tác giả bài viết: Vũ Thị Quế - Khu BTTN Tà Đùng