Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, nằm ở phía Tây Nam với diện tích tự nhiên 650.927 ha (Quyết định số 2311/QĐ-BTNMT ngày 28/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Theo Quyết định số 1474/QĐ-UBND ngày 08/9/2017 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp sau khi rà soát, điều chỉnh là 296.439,48 ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phần lớn đã giao, cho thuê với nhiều chủ thể quản lý, sử dụng, gồm các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức chính trị xã hội khác để quản lý, sử dụng.
Thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại. Trước tình hình đó Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng Kiểm lâm cùng các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như:
Bố trí lực lượng Kiểm lâm tăng cường về địa bàn xã; phối hợp lực lượng liên ngành chốt chặn, tuần tra, truy quét đột xuất, dài ngày tại các địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở.
Lực lượng Kiểm lâm tuần tra rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung
Hướng dẫn đơn vị chủ rừng thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của chủ rừng đúng theo quy định tại Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg, ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách pháp luật, các quy định của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng luôn được coi trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, thu hút người dân tham gia cùng bảo vệ rừng. Đến tháng 11/2017, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 2.060 lần; hội nghị, họp dân 106 lần với 3.153 lượt người tham gia; ký cam kết trách nhiệm bảo vệ rừng và PCCCR 1.048 bản đối với các hộ dân sống gần rừng, ven rừng; tổ chức tuyên truyền tại trường học với hơn 250 thầy cô, học sinh tham gia, phát 250 tờ rơi.
Lực lượng Kiểm phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền bảo vệ rừng cho bà con tại các thôn, bon
Tổ chức thẩm định Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2017-2018 cho 17 đơn vị chủ rừng, trong đó: 15 đơn vị quốc doanh, 02 đơn vị ngoài quốc doanh. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh, cấp huyện năm 2017 cho cán bộ Kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Song song công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng luôn được quan tâm, chú trọng. Năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tham mưu triển khai có hiệu quả công tác trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế, trồng ngoài quy hoạch 3 loại rừng…nhằm từng bước nâng cao độ che phủ của rừng. Tổng diện tích đã trồng rừng trong năm 2017 là 2.146,3 ha, đạt 91,6% so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp các đơn vị và người dân địa phương tổ chức trồng rừng
Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi lực lượng Kiểm lâm phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng, tư duy và phương pháp hoạt động; tổ chức nhiều biện pháp quyết liệt, kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn Kiểm Lâm Đăk Nông là vi phạm bản quyền