Best allmodz.com mod4ree.com azmodapk.com ezapkmod.com ezmodapk.com modhubz.com modlinkz.com apk mod mod2go.com apkmodcity.com azapkmod.com games and premium app for android

Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông – 10 năm xây dựng và phát triển (2013-2023)

Đăng lúc: Thứ hai - 13/03/2023 21:55 - Người đăng bài viết: kiem lam dak nong
          Ngay khi tách tỉnh, ngày 01/01/2004, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông được thành lập và trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông. Thực hiện Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ, từ ngày 01/7/2007 đến nay, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành Lâm nghiệp; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định của pháp luật; đồng thời, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đến nay, đã trải qua 02 lần kiện toàn (năm 2016, 2019), cơ cấu tổ chức bộ máy Chi cục Kiểm lâm ngày cành tinh gọn (giảm từ 13 đơn vị xuống còn 09 đơn vị trực thuộc), hoạt động thông suốt, ổn định; các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động giải quyết, xử lý công việc theo thẩm quyền, không xảy ra vướng mắc, khiếu kiện trong quá trình giải quyết công việc; chất lượng đội ngũ công chức ngày được nâng cao, lực lượng Kiểm lâm ngày càng vững mạnh; tích cực, chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Lâm nghiệp, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lực lượng Kiểm lâm trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
          Tổ chức bộ máy Chi cục Kiểm lâm hiện nay gồm: Chi cục trưởng, 01 Phó Chi cục trưởng; 05 phòng chuyên môn (Tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng; Hành chính, tổng hợp; Thanh tra, pháp chế; Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên; Sử dụng và Phát triển rừng); 09 đơn vị trực thuộc (01 Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng; 08 Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố). Tổng số công chức, người lao động tính đến tháng 3/2023 là 198 người; trong đó: Nam: 163 người; Nữ: 35 người; Dân tộc thiểu số: 22 người; Đảng viên: 124 người. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Thạc sĩ: 04 người, chiếm 2,02%; Đại học: 161 người, chiếm 81,3%; Trung cấp: 20 người, chiếm 10,1%; khác: 13 người, chiếm 6,6%. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp: 14 người; Trung cấp: 49 người.
          Tỉnh Đắk Nông có diện tích đất có rừng là 250.758,71 ha, trong đó: Rừng đặc dụng: 36.669,37 ha, rừng phòng hộ: 46.150,62 ha, rừng sản xuất: 129.724,64 ha, ngoài quy hoạch 03 loại rừng: 38.214,08 ha. Diện tích đất chưa có rừng quy hoạch phát triển rừng: 80.568,42ha. Độ che phủ rừng: 38,52%.Với diện tích rừng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khá lớn, trong khi lực lượng Kiểm lâm còn mỏng (thiếu 24 biên chế), tình hình dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến ồ ạt, dân số tăng nhanh kéo theo các nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đời sống, đường sá đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, hành vi phá rừng ngày càng tinh vi, tình trạng chống người thi hành công vụ có tổ chức của các đối tượng phá rừng ngày càng hung hãn, sẵn sàng chống trả và tấn công lại lực lượng Kiểm lâm… Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp. Nhưng trong 10 năm gần đây (2013-2023), công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, luôn được Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Sở Nông nghiệp và PTNT đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, Chi cục Kiểm lâm triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, có hiệu quả; công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được kiềm chế; tình trạng phá rừng cơ bản được kiểm soát (số vụ phá rừng và diện tích rừng thiệt hại hàng năm giảm, không xảy ra tình trạng phá rừng với diện tích lớn, tình hình vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp và diện tích phá rừng giảm đều qua các năm; hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng được đảm bảo, dần đi vào ổn định; kết quả trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng cơ bản đạt kế hoạch giao hàng năm (đến nay đã trồng được trên 14.839ha rừng). Kết quả xử lý vi phạm từ năm 2013 đến 02/2023 như sau: tổng số vụ vi phạm 8.928 vụ; trong đó, số vụ đã xử lý 8.816 vụ, số tiền đã nộp ngân sách là 51.087.767.000 đồng. Nhiều chương trình, dự án được phê duyệt; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao nhận thức, tăng thu nhập cho các chủ rừng và các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng; sinh kế của người dân sống gần rừng từng bước được cải thiện. Nhiều mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả như: Mô hình trồng xen cây Mắc ca (Từ năm 2010 cây Mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích 11 ha, chủ yếu là mô hình trồng xen canh; đến nay, tổng diện tích trồng Mắc ca trên địa bàn tỉnh là 3.473 ha); Mô hình trồng rừng đặc sản (Điều) tại Công ty TNHH MTV LN Nam Tây Nguyên (Thời gian qua Công ty xây dựng 11 Phương án giao khoán, liên kết đầu tư trồng rừng kinh tế bằng các loài cây lâm nghiệp, cây đa mục đích; trong đó chủ yếu là cây Điều với diện tích 382,79 ha (Điều thực sinh và Điều ghép). Được sự đồng thuận của người dân tham gia nhận khoán, liên kết trồng chăm sóc và hưởng hợi; đến nay, toàn bộ diện tích cây Điều sinh trưởng, phát triển tốt. Khu vực thực hiện dự án không xảy ra tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. An ninh, trật tự được đảm bảo. Mô hình góp phần quản lý tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng; tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân sống gần rừng); Mô hình nông lâm kết hợp… Ngoài ra, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt một số Đề án liên quan công tác lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Đề án tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm với chủ rừng; Đề án nâng cao độ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu nâng cao tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Việc xây dựng và triển khai 02 đề án nêu trên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; là một trong những giải pháp để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được giao tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII.
Ảnh: Rừng khộp huyện Đăk Mil
          Với công sức và trí tuệ của toàn thể CCVC trong lực lượng Kiểm lâm, với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi trong suốt 10 năm qua (2013-2023), tập thể Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ và được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT... ghi nhận, khen thưởng nhiều danh hiệu thi đua, bằng khen, giấy khen (trên 85 lượt tập thể, 950 lượt cá nhân).
         Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao, còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra; công tác phát triển rừng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; một số mô hình tổ chức quản lý (chủ rừng) hoạt động chưa hiệu quả; công tác quản lý Nhà nước về Lâm nghiệp còn nhiều tồn tại; nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa đảm bảo; chính sách hưởng lợi cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia phát triển rừng chưa hợp lý, chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; lực lượng Kiểm lâm còn mỏng, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa đảm bảo theo yêu cầu; năng lực quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng còn hạn chế, chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng; diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp còn lại, hiện nay người dân đang lấn, chiếm trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp; việc cưỡng chế, giải tỏa đối với diện tích này gặp nhiều khó khăn; tình trạng người dân thường xuyên chống đối, phá hoại diện tích rừng trồng, tái lấn chiếm, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó (điển hình là việc phá rừng quy mô nhỏ, ken cây, đổ hóa chất, hủy hoại rừng Thông ...) gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ rừng.
          Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, những thành tựu đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về Lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu của tập thể công chức, người lao động Kiểm lâm Đắk Nông. Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm đó là:
          Thứ nhất, thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng: Là nghề luôn phải đối diện với những mặt trái của xã hội, đòi hỏi mỗi công chức Kiểm lâm luôn phải có bản lĩnh vững vàng từ tư tưởng tới hành động; do đó, phải thường xuyên quan tâm giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong lối sống lành mạnh cho công chức Kiểm lâm, phải giữ vững bản lĩnh công tác; không bị khuất phục trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường, không tham nhũng, tiêu cực; tích cực quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng Kiểm lâm. Tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền để nâng cao vai trò, vị trí và địa vị pháp lý cho lực lượng Kiểm lâm.
          Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, quản lý của ngành, của địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với nhiều hình thức và nội dung phong phú, từ đó đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
          Ba là, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương trong công tác quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nắm bắt thông tin, đấu tranh ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản xảy ra trên địa bàn; gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và khai thác lâm sản khi xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét đối với công chức lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm, công chức Kiểm lâm địa bàn.
          Bốn là, cùng với việc kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính trong quản lý bảo vệ rừng nhằm bảo đảm chấp hành pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”, làm tốt công tác khuyến lâm; hướng dẫn cho chủ rừng trong sản xuất kinh doanh nghề rừng, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng có hiệu quả cao, phù hợp với thực tế ở địa phương, từ đó xã hội hóa công tác bảo vệ rừng.
          Năm là, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và kỷ luật, tạo động lực tốt cho công chức Kiểm lâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xây dựng tốt phong trào thi đua, có lộ trình với mục tiêu phấn đấu cụ thể nhằm phát hiện, gây dựng phong trào và nhân rộng các điển hình tiến tiến trong đơn vị. Mặt khác làm tốt công tác phòng ngừa, nghiêm khắc xem xét thi hành kỷ luật đối với những tập thể và cá nhân vi phạm chính sách pháp luật cũng như nội quy, quy chế của ngành và đơn vị.
          Để hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam và hoà chung vào công cuộc đổi mới của đất nước, lực lượng Kiểm lâm Đắk Nông thường xuyên rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, ra sức học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới nội dung và phương pháp làm việc, tranh thủ sự lãnh đạo của Cấp uỷ, chính quyền các cấp, phối hợp với các ban ngành liên quan, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân để hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao cho, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng./.

Tác giả bài viết: Lê Thị Nụ, Phó Trưởng phòng tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng
 In bài viết  Lưu bài viết này Quay lại
 
 
Thông báo
chuyên mục tin
tin nóng
tin trong ngành
Danh mục








Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 1146
  • Tháng hiện tại: 52569
  • Tổng lượt truy cập: 1023635
Liên kết Website

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP CHI CỤC KIỂM LÂM ĐĂK NÔNG
Trưởng ban biên tập: Lê Công Trường - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đăk Nông
Địa chỉ: Đường Điểu Ong - phường Nghĩa Trung - thành phố Gia Nghĩa - tỉnh Đăk Nông
Email: cckl.snnptnt@daknong.gov.vn, ĐT: (0261) 3.544 438, Fax: (0261) 3.544 438
Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số: 159/GPTTĐT-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/02/2024
Thiết kế và vận hành bởi Trung tâm CNTT - Sở TTTT tỉnh Đăk Nông
Xem bản: Desktop | Mobile